Các toà nhà thương mại có thể làm gì để thay đổi chất lượng không khí?
Trong bối cảnh khủng hoảng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM, các chiến lược bảo vệ môi trường sẽ trở nên phổ biến trong phát triển bất động sản thương mại.
Không khí tại Hà Nội và TP.HCM trong vài tuần qua đã có những thời điểm được cho rằng chạm mức ô nhiễm cao, gây hại cho sức khỏe. Trong khi chính quyền cả hai thành phố đang thực hiện một loạt các biện pháp để khắc phục tình hình, câu hỏi đặt ra là liệu bất động sản thương mại có thể góp phần nào trong nỗ lực chung?
Ô nhiễm không khí là một vấn đề toàn cầu. Dữ liệu thống kê cho thấy rằng 91% dân số thế giới đang ở những khu vực có mức ô nhiễm không khí vượt quá giới hạn đảm bảo sức khỏe do tổ chức WHO đề ra. Các quốc gia trên thế giới hiện đang chung tay theo dõi chặt chẽ tình trạng ô nhiễm không khí ở địa phương và nỗ lực để cải thiện chất lượng không khí.
Hiện nay, hơn 4.300 thành phố ở 108 quốc gia đã được đưa vào cơ sở dữ liệu về chất lượng không khí của WHO, trở thành cơ sở dữ liệu toàn diện nhất trên thế giới về ô nhiễm không khí. Ví dụ tại Vương quốc Anh, chính phủ đã ban hành “Chiến lược không khí sạch 2019″, đưa ra danh sách những hành động có thể được thực hiện để nâng cao chất lượng không khí, giảm lượng khí thải từ phương tiện giao thông, nhà ở, nông nghiệp, công nghiệp và bất động sản thương mại. Chiến lược này cho phép chính quyền địa phương xác định hạn mức hoạt động cho các chủ sở hữu của các tòa nhà thương mại.
Để khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả, Chính phủ Anh đã đưa ra sáng kiến ‘The Green Lease Toolkit”, một bộ công cụ nhằm hỗ trợ chủ nhà và khách thuê xây dựng chiến lược giảm khí thải carbon, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu chất thải để hạn chế tác động lên môi trường.
Nhận thức về môi trường trong lĩnh vực bất động sản đã trở thành một phần không thể thiếu của xu hướng tác động đầu tư. Theo bà Lucy Auden, lãnh đạo toàn cầu của bộ phận ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) tại Savills, trên thế giới đang xuất hiện một xu hướng tên là đầu tư có tầm ảnh hưởng (impact investing) với chủ đích tạo ra tác động xã hội hoặc môi trường, bên cạnh lợi nhuận tài chính truyền thống. Tài sản trong lĩnh vực này đã tăng 15% trong nửa đầu năm 2019 lên mức 52 tỷ USD.
Nhận thức về môi trường trong lĩnh vực bất động sản đã trở thành một phần không thể thiếu của xu hướng tác động đầu tư.
Bà Auden nói thêm: “Các nhà quản lý đầu tư bất động sản đã và đang dần lưu tâm hơn đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Thay vì nói, “Tôi sẽ mua tòa nhà xanh này để làm đẹp danh mục đầu tư,” thị trường đang bắt đầu suy nghĩ “Nếu tôi mua một tòa nhà không hiệu quả và không có kế hoạch gì để cải thiện khả năng chống chịu và hiệu quả của tòa nhà, liệu tôi có thể bán nó được không? Với sự lo ngại về khí hậu ngày một tăng, liệu 15 – 20 năm nữa có nhà đầu tư nào mua bất động sản mà sẵn sàng chấp nhận việc không phòng ngừa rủi ro liên quan tới khí hậu?”
“Yếu tố gạch vữa của bất động sản làm cho ngành này phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn từ biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, 40% lượng khí thải carbon toàn cầu đến từ môi trường xây dựng. Do đó phòng ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu đều có tác động mạnh mẽ đến đầu tư bất động sản”, bà Auden nói.
Ở Việt Nam, đầu tư có tầm ảnh hưởng đã bắt đầu với bất động sản thương mại. Các đơn vị phát triển và chủ nhà đang đầu tư vào các biện pháp nhằm tăng hiệu quả tòa nhà, giảm tiêu thụ năng lượng và khí thải.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội, nhiều dự án thương mại ở Việt Nam đã đạt được hay tuân theo tiêu chuẩn của các chứng nhận xanh và hiệu quả năng lượng, trong đó LEED (Leadership in Energy and Environmental Design – Tiên phong trong thiết kế tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường) là chứng chỉ được công nhận rộng rãi nhất trên thế giới.
Dự kiến một số tòa nhà văn phòng hạng A quốc tế cao cấp nhất ở Hà Nội và TP.HCM sẽ đáp ứng tiêu chuẩn của chứng chỉ này với cam kết giảm thiểu lượng tiêu thụ nước tới 50% thông qua tái chế, và giảm tiêu thụ năng lượng 13% nhờ quản lý tòa nhà hiệu quả. Ngoài ra, toà nhà còn có bộ lọc, các vật liệu tỏa khí thải thấp và cảm biến đã được lắp đặt để duy trì chất lượng không khí tốt trong nhà; mặt khác các tấm kính mặt ngoài dự án được xử lý để giúp cải thiện chất lượng không khí bên ngoài.
Trong bối cảnh chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc giải quyết khủng hoảng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM, các chiến lược bảo vệ môi trường sẽ trở nên phổ biến trong phát triển bất động sản thương mại. Sự chung tay giữa các đơn vị phát triển bất động sản, các công trình xây dựng, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và giao thông vận tải sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng không khí tốt hơn cho sức khỏe.
Theo Reatimes.vn