Trang chủ » Tin tức » Việt Nam học được gì từ thành phố thông minh nhất thế giới?

Việt Nam học được gì từ thành phố thông minh nhất thế giới?

Thành phố thông minh là xu hướng phát triển tất yếu của nhiều đô thị lớn trên thế giới. Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã bắt đầu chuyển mình nhằm bắt kịp xu hướng này.

Trên hành trình đó, Việt Nam có thể học gì từ Singapore – một đất nước cùng khu vực Đông Nam Á đang được biết đến là thành phố thông minh hàng đầu thế giới?

Thành phố thông minh hàng đầu thế giới

Dù có nhiều bất lợi về tài nguyên thiên nhiên và khí hậu nhưng Đảo quốc sư tử hiện đang dẫn đầu cuộc đua xây dựng thành phố thông minh trên toàn cầu.

Thành công này một phần đến từ nỗ lực của chính phủ khi triển khai dứt điểm nhiều sáng kiến, xây dựng được lòng tin, uy tín với người dân. Bên cạnh đó, Singapore có mặt bằng trình độ công nghệ cao và cơ sở hạ tầng vững chắc, là nền tảng để tập trung toàn lực vào việc xây dựng thành phố công nghệ.

Những bước đi đầu tiên của Singapore trong việc kiến tạo đô thị thông minh là xây dựng một mạng lưới băng thông rộng tốc độ cực nhanh trên phạm vi toàn quốc và wifi miễn phí cho toàn dân. Kế đó, Đảo quốc sư tử hình thành mạng lưới cảm biến đường phố toàn quốc, từ đó làm khung tính phí đường bộ theo mức độ sử dụng thực.

Mạng lưới này sẽ sớm được nâng cấp thành một hệ thống trạm/cổng, tính phí chính xác theo định vị, đồng thời cung cấp thông tin giao thông và dịch vụ sạc tự động ở các bãi đỗ xe bên đường.

Ở các giao lộ, người cao tuổi và khuyết tật có thể quẹt thẻ nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) ở hộp chờ để có nhiều thời gian qua đường hơn. Ngay cả hệ thống quản lý nước sạch của Singapore cũng thuộc hàng tân tiến nhất thế giới khi chính phủ đang thử nghiệm công nghệ khử muối trong nước biển với mức điện năng tiêu thụ chỉ bằng một nửa so với các phương pháp hiện có.

Ngoài ra, một số dự án được chọn lọc trong Hội đồng Nhà ở và Dự án bất động sản ở Singapore cũng đang thử nghiệm các sản phẩm thông minh trong nhà như hệ thống chiếu sáng thông minh để tiết kiệm năng lượng, cảm biến theo dõi cư dân cao tuổi đề phòng trường hợp khẩn cấp, cảm biến thu gom chất thải khí nén tự động để thu gom rác thải không mùi…

Thêm vào đó, từ năm 2017, sau khi được chính quyền chấp thuận, công ty khởi nghiệp nuTonomy có trụ sở chính tại Singapore đã bắt đầu thử nghiệm xe ô tô lái tự động.

Việc ứng dụng công nghệ thông minh đã đưa Singapore thành quốc gia có mức độ an toàn, thuận tiện cao, môi trường sạch, là một nơi đáng sống và đáng làm việc.

Còn nhiều trở ngại

Việt Nam đã và đang có những bước đi đầu tiên trên con đường phát triển đô thị thông minh. Tiên phong trong lĩnh vực này tại Việt Nam là nhà phát triển bất động sản Sunshine Group đã xây dựng hàng loạt các ngôi nhà thông minh cùng hệ sinh thái tích hợp công nghệ mới. Nổi bật trong đó là ứng dụng gọi xe đưa đón dành cho cư dân, các chức năng quản gia cũng như siêu thị trực tuyến cũng được cài đặt thông qua ứng dụng điện thoại.

Đầu tháng 4 năm nay, Vingroup – nhà phát triển bất động sản nội địa lớn nhất tại Việt Nam, đã nâng cấp dự án có quy mô lớn 280ha của họ thành khu đô thị thông minh Vinhomes Smart City tại phía Tây Hà Nội. Dự án ứng dụng trí thông minh nhân tạo cho phép nhận dạng khuôn mặt, sau đó qua trung tâm dữ liệu có khả năng trích xuất các thông tin đến cho cư dân, từ giám sát chất lượng không khí đến cảnh báo ô nhiễm môi trường.

Ở cấp độ thành phố, chính quyền nhiều địa phương đã và đang có những nỗ lực nhất định trong việc xây dựng thành phố thông minh: nâng cao hiệu quả sử dụng điện nước và các cơ sở hạ tầng tiện ích xã hội.

Ở cấp độ dự án và tòa nhà, các chủ đầu tư và người mua đều đang hướng đến việc thông minh hóa hoạt động quản lý và vận hành: từ hệ thống an ninh, đến kết nối internet, từ sử dụng điện đến các yếu tố giảm thiểu tác động đến môi trường.

Ở cấp độ căn hộ, đã dần xuất hiện trên thị trường các sản phẩm được tích hợp những hệ thống hỗ trợ thông minh và kết nối đồng bộ với internet (internet of things) do các bên thứ 3 cung cấp.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng chìa khóa để xây dựng thành phố thông minh thành công và bền vững là học hỏi, nghiên cứu và thử nghiệm. Các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cần tham khảo nhiều bên để tìm ra hướng đi và sản phẩm thông minh phù hợp với dự án của mình.

“Xu hướng Proptech hiện nay đang diễn ra rất mạnh mẽ trên thế giới với một lượng vốn đầu tư khổng lồ. Các chủ đầu tư có rất nhiều lựa chọn trong việc ứng dụng công nghệ thông minh nhưng không phải hướng đi nào cũng phù hợp và đúng đắn với đặc thù sản phẩm và thói quen của người dùng Việt. Vì vậy họ cần đầu tư thời gian nghiên cứu và tìm hiểu để tìm ra đối tác phù hợp”, Giám đốc Savills Hà Nội nhấn mạnh.

TS.KTS Võ Kim Cương – Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cũng chỉ ra một số trở ngại trong việc thực hiện thành phố thông minh ở Việt Nam. Thứ nhất, thời đại CNTT là thời đại giao tiếp, trong khi khả năng hợp tác, giao lưu, trao đổi thông tin của người Việt lại kém do đó phải khắc phục thói quen này.

Thứ hai, muốn có thành phố thông minh phải có hệ thống dữ liệu thông tin trao đổi với nhau, điều này đòi hỏi các ngành, các cá nhân phải có ham muốn cung cấp thông tin và để được chia sẻ thông tin.

Thứ ba, phải đào tạo lại trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, tạo ra thói quen mới trong xã hội thông minh.